CÓ NÊN TỰ PHUN THUỐC MUỖI TẠI NHÀ HAY KHÔNG?
Việc người dân tự ý phun thuốc diệt muỗi là một nguyên nhân chính khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết kháng các hóa chất.
Kết quả nghiên cứu của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung
ương cho thấy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Aedes aegypti đã kháng
với một số hóa chất diệt côn trùng. Điều này đồng nghĩa với việc mầm
bệnh khó bị tiêu diệt và số người mắc bệnh khó giảm.
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét – Ký
sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cảnh báo, chính việc lạm dụng, tự ý
phun hóa chất diệt muỗi không đúng cách của người dân là một trong những
nguyên nhân chính khiến muỗi truyền bệnh kháng hóa chất. Phun thuốc vì
nghe quảng cáo
Mỗi tuần, cả nước lại ghi nhận hàng trăm ca mắc sốt xuất huyết (SXH)
mới. Chính điều này khiến người dân rất hoang mang lo sợ. Một số cá nhân
lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân đăng tin phun thuốc diệt muỗi
hoặc đi tiếp thị hóa chất diệt muỗi đến từng nhà với lời quảng cáo: “làm
chết hết không chỉ muỗi mà tất cả các loại côn trùng như gián, kiến,
chuột…”. Cũng vì tin theo lời quảng cáo mà gia đình chị Hà ở Hoàng Mai,
Hà Nội, vốn là một trong những điểm nóng về SXH, không tiếc tiền thuê
hẳn một trung tâm chuyên diệt muỗi, côn trùng gây bệnh đến phun hóa chất
tại nhà với giá tiền 5.000 đồng/m2. Lúc phun xong, chị thấy cũng có
nhiều muỗi, thậm chí là gián, kiến… chết. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau,
muỗi trong nhà chị lại nhiều như trước lúc phun.
theo tiến sĩ Khoa, bản chất của việc phun hóa chất là phun dập dịch.
Nghĩa là khi phát hiện ra khu vực đang có ổ dịch bệnh SXH, các cơ quan
chức năng sẽ khoanh vùng và tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng cả
vùng có dịch bệnh. Do đó, việc phun theo từng nhà sẽ không có tác dụng
vì muỗi có thể chết tại thời điểm được phun nhưng sau đó xuất hiện trở
lại do “di dân” từ nhà hàng xóm. “Việc lạm dụng phun hóa chất, phun
không đúng cách, đúng thuốc còn đã dẫn tới hậu quả muỗi kháng hóa chất.
Điều này cực kỳ nguy hiểm, gây khó khăn trong công cuộc phòng chống bệnh
SXH và giảm số người mắc. Ngoài ra, một số người do hạn chế về hiểu
biết hoặc chạy theo lợi nhuận sử dụng các loại hóa chất dùng trong nông
nghiệp (vốn chỉ phun ngoài trời) để diệt muỗi trong nhà rất dễ gây ngộ
độc, các bệnh mãn tính đường hô hấp”, tiến sĩ Khoa cảnh báo.
Tự ý phun thuốc diệt muỗi làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh
trùng – Côn trùng Trung ương, đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH là chỉ
thích đẻ trứng tại những nơi có nước sạch như chum, vại, bể nước mưa,
lốp xe hỏng, vật dụng gia đình bỏ không, hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa…
Trong khi nhiều người dân lầm tưởng chúng đẻ ở vũng nước, cống rãnh nước
bẩn nên chỉ chăm chăm phòng bệnh tại các khu vực đó mà quên đi bể nước
ăn của gia đình mình và các dụng cụ chứa nước quanh nhà.
Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước
tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ
dừa…). Úp ngược các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia
cầm. Xử lý kẽ lá cây (chuối, cọ, dừa…) bằng chọc thủng, cho hoá chất
diệt bọ gậy. Đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng nắp hoặc vải để
ngăn không cho muỗi đẻ, thả cá, dội nước nóng vào thành vại để diệt bọ
gậy và trứng khi còn chứa ít nước. Trong mùa dịch bệnh, tốt nhất mọi gia
đình nên úp tất cả các loại xô, chậu, bát, máng nước gia cầm sau khi
dùng, chậu cây cảnh bỏ không, đảm bảo chúng luôn khô ráo.